CafeLand - Báo cáo “vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây cho thấy, trong số các nước được lựa chọn để đầu tưở châu Á, vốn đầu tư của Trung Quốc chảy nhiều nhất vào Hong Kong, Singapore, Indonesia và Hàn Quốc. Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong dòng vốn này.
Số liệu không minh bạchPGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết châu Á là địa bàn chính của Trung Quốc khi luôn chiếm tỷ trọng từ 66-74% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này. Báo cáo của VEPR cho thấy, năm 2017, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 160 tỉ USD, riêng châu Á chiếm 69,5%.
Vốn Trung Quốc (gồm cả Hong Kong, Ma Cao) vào khu vực ASEAN (trừ Singapore) không nhiều so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này. Cụ thể, năm 2017, ASEAN chỉ chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Tỷ lệ này ở giai đoạn 2010 – 2016 lần lượt là 18,8%, 12,4%, 26,7%, 21,9%, 9,8% và 17,2%.
Trong khu vực ASEAN, vốn Trung Quốc chảy vào đáng kể nhất ở Malaysia (2016 đạt hơn 4,8 tỉ USD, 2017 đạt hơn 3,3 tỉ USD), Indonesia (2016 đạt khoảng 2 tỉ USD, năm 2017 đạt khoảng 2,5 tỉ USD), Thái Lan (năm 2016 đạt khoảng 2,4 tỉ USD) rồi mới đến Việt Nam (2016 đạt 1,8 tỉ USD, 2017 đạt 1,3 tỉ USD).
So với tổng vốn FDI của các nước vào ASEAN, Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ trọng không quá lớn, năm 2016 là 16,3%, năm 2017 là 14,1%. Tỷ trọng của Nhật Bản lần lượt là 11,2%, 9,9%, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan. Dù không lớn nhưng vốn Trung Quốc vẫn cao hơn các nước và tăng khá mạnh trong giai đoạn 2010 – 2017. Trong 7 năm, tỷ trọng vốn Trung Quốc vào ASEAN đã tăng gấp 2,4 lần.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam năm 2016 tập trung ở các ngành dệt may (3,1 tỉ USD), bất động sản (2,3 tỉ USD), sản xuất kim loại (1,4 tỉ USD), khai khoáng (1,03 tỉ USD), xử lý gỗ (664 triệu USD), chế biến thực phẩm (509 triệu USD), thiết bị điện (310 triệu USD)…
Theo ông Thành, qua những số liệu như trên có thể thấy vốn Trung Quốc chưa có gì đặc biệt, nổi trội so với các nước có truyền thống đầu tư ở Việt Nam (như Nhật Bản, Hàn Quốc).
“Tôi cho rằng có nhiều thứ bị chúng ta thổi phồng”, ông Thành nói và nhấn mạnh khi nhận định về vốn Trung Quốc tại Việt Nam, cần phải có nghiên cứu, có số liệu cụ thể, phải dựa trên bằng chứng.
“Chúng tôi cho rằng FDI không phải là yếu tố Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng được ở Việt Nam, bởi vì đó là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì cạnh tranh, cách nó đi vào rất thị trường. Tôi cho rằng ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc đến từ các gói tổng thầu (EPC). Đây là kênh gây nhiều tranh luận nhất ở Việt Nam hiện nay”, ông Thành bình luận.
Viện trưởng VEPR cũng thừa nhận báo cáo nghiên cứu vốn Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn những “điểm mù”, đặc biệt là dòng vốn xâm nhập thông qua mua bán – sáp nhập doanh nghiệp rất khó bóc tách, làm rõ. Bên cạnh đó, các số liệu về vốn Trung Quốc không minh bạch.
Theo ông, số liệu về ODA, FDI thì tương đối tốt, nhưng khảo sát về ODA Trung Quốc là bao nhiêu, vay bao nhiêu lại không rõ ràng so với các nước khác. “Đấy là điều tôi thấy ngạc nhiên”, ông Thành nói.
Điều lo ngại nữa là tình trạng “đánh nhau” trong doanh nghiệp. “Thị trường có kiểu rỉ tai nhau rằng doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia có vốn Trung Quốc. Điều này chưa biết đúng hay không nhưng trước mắt gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp hứng chịu tin đồn đó”, ông Thành phát biểu.
Vốn Hàn Quốc chảy mạnh vào bất động sản
Xét riêng dòng vốn của nhóm nước Đông Bắc Á vào ASEAN, có thể thấy sự phân hóa khá rõ ràng. Trong khi vốn Nhật Bản đổ rất mạnh vào Indonesia, Thái Lan, Malaysia thì ở Việt Nam, vốn Hàn Quốc chiếm ưu thế.
Đặc biệt, Hàn Quốc tập trung vào điện tử (13,4 tỉ USD), bất động sản (5,3 tỉ USD) sản xuất kim loại (4,7 tỉ USD), dệt may (3,2 tỉ USD), hóa chất (2,59 tỉ USD).
Đài Loan thì tập trung vào sản xuất phi kim (11,1 tỉ USD), sản xuất kim loại (1,9 tỉ USD), dệt may (1,79 tỉ USD). Nhật Bản tập trung vào than cốc lọc dầu (9 tỉ USD), điện tử (2,9 tỉ USD), bất động sản (1,8 tỉ USD), ô tô (1,08 tỉ USD).
Theo lãnh đạo VEPR, nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam rất sớm nhưng lại không có ý định gắn bó lâu dài với Viêt Nam, cũng không đầu tư nhiều vào bất động sản. Trong khi đó Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản rất mạnh.
Nói vậy để thấy, về vốn FDI, Trung Quốc chưa có một điều gì đặc biệt nổi trội so với các nước đã đầu tư lâu đời ở Việt Nam.
“Đầu tư FDI mang tính kinh doanh, nên hành vi của nó thuần túy mang tính lợi nhuận, tính thị trường. Giữa các nguồn vốn từ EU, Nhật, Hàn… Trung Quốc chưa có gì khác biệt lớn đối với Việt Nam. Dòng vốn của Trung Quốc chưa phải là lớn”, ông Thành đánh giá.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), cảnh báo Trung Quốc sẽ ngày càng đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, trong đó có Việt Nam.
“Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng. Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm khi lựa chọn dự án, nhà thầu, công nghệ. Quyền lựa chọn dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu, công nghệ là của chúng ta’, ông Tuyển phát biểu.
Theo ông Tuyển, đừng ham rẻ mà thực chất chưa chắc đã rẻ. Điển hình như dự án Cát Linh – Hà Đông. “Những yếu kém, tác động xấu của đầu tư Trung Quốc, trước hết là lỗi của cơ quan quản lý Việt Nam. Chúng ta vay vốn của họ nhưng không phải vay với bất cứ điều kiện nào, mà phải giám sát chặt chẽ”, ông Tuyển nói.