News Ticker

Menu

Tìm kiếm Blog này

Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Browsing "Older Posts"

Cần Thơ bác bỏ loạt đề nghị đầu tư khu đô thị mới tại Bình Thủy

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019 / No Comments
CafeLand – UBND TP Cần Thơ vừa bác loạt đề nghị đầu tư các khu đô thị của các doanh nghiệp bất động sản tại những điểm nóng bất động sản ở Cần Thơ như Long Tuyền, Long Hòa, Quận Bình Thủy.
Cần Thơ bác bỏ loạt đề nghị đầu tư khu đô thị mới tại Bình Thủy
Cụ thể, qua xem xét văn bản số 071/CV-TALA-2019 ngày 23 tháng 5 năm 2019 của Công ty Cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An về việc xin đầu tư xây dựng khu đô thị mới có diện tích 85ha tại phường Long Hòa.
Văn bản số 19/ĐĐA-ĐT ngày 25 tháng 4 năm 2019 và hồ sơ kèm theo của Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Đông Á về việc xin nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị mới Long Tuyền 1, phường Long Tuyền
Và đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát tại Tờ trình số 72/TTr.HP ngày 11 tháng 3 năm 2019 về việc xin đầu tư dự án Khu đô thị mới phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ (quy mô khoảng 19,8ha) và Tờ trình số 107a/TTr.HP ngày 10 tháng 4 năm 2019 về chủ trương tiếp cận nghiên cứu, khảo sát, lập sơ bộ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị mới Long Tuyền, tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ (quy mô khoảng 28ha)
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có ý kiến là hiện tại, thành phố chưa có chủ trương mời gọi đầu tư dự án khu đô thị mới tại các địa điểm trên, nên chưa có cơ sở xem xét đề nghị của các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Công ty Cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Đông Á và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hỗ trợ, cung cấp thông tin về các dự án mời gọi đầu tư của thành phố.
 
Năm 2019, Cần Thơ sẽ có 5 dự án xây dựng khu đô thị mới được khởi công sau khi UBND thành phố phê duyệt. Tổng vốn đầu tư của 5 dự án này là khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó, 3 dự án ở quận Cái Răng, 1 ở quận Ninh Kiều và 1 ở quận Bình Thủy.
Được biết, từ năm 2018, thị trường bất động sản Cần Thơ đột ngột nóng sốt lên, đặc biệt ở tại phường Long Hòa, phường Long Tuyền của Quận Bình Thủy.
Sốt đất dẫn đến tình trạng các khu dân cư tự phát mọc lên như nấm với nhiều sai phạm như không chuyển mục đích đất, tách thửa, chia lô bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép…
Việc hình thành các khu dân cư tự phát, cơ sở hạ tầng thấp kém ảnh hưởng đến đề án khai thác quỹ đất thành phố (giai đoạn 2017-2021) do phải bồi thường giá đất thổ cư, nhà và phải tái định cư, có khả năng hình thành điểm nóng trong giải quyết khiếu nại.
Hệ lụy là UBND quận Bình Thủy đã cho tạm ngưng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu dân cư tự phát mà chưa xác định được khu dân cư có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hay không.
Ngoài ra, 18 cán bộ tại phường Long Hòa, phường Long Tuyền bị kỷ luật với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, kiểm điểm…

N.Đăng

Thận trọng rót vốn khi vàng biến động

/ No Comments
Giá vàng liên tục biến động mạnh với biên độ rộng trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, do vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo khi rót vốn vào vàng.
Thận trọng rót vốn khi vàng biến động
Biến động mạnh
Sau khi tăng nóng, giá vàng bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 26/6. Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 26/6, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.414,7 USD/ounce, giảm gần 10 USD, tương đương mức giảm hơn 0,6% so với phiên giao dịch đầu giờ của ngày trước đó ở mức 1.410 USD/ounce. Trong khi đó, chỉ số giá USD sáng 26/6 tăng nhẹ 0,1% lên mức 96,1 điểm.
Đối với thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng quay đầu giảm mạnh trong sáng ngày 26/6. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã điều chỉnh giảm giá từ mức 200.000-250.000 đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng thế giới ngừng tăng bởi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất. Cạnh đó, giá vàng từng được kỳ vọng sẽ xô đổ mọi kỷ lục nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra và bất ổn tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang,  nhưng mọi chuyện vẫn chưa tới mức căng thẳng.
Các tác động này đã khiến vàng mất đi động lực hỗ trợ cho đà tăng giá và lao dốc trong ngày 26/6, dù đã từng chạm ngưỡng 1.442 USD/ounce. Đồng thời, giá giao kỳ hạn tháng 8/2019 trên thị trường New York hiện được chốt ở mức 1.418,70 USD/ounce - mức đóng cửa cao nhất của giá vàng giao hợp đồng tính từ ngày 28/8/2013 tới nay. Trước đó, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế đã tin vào khả năng hạ lãi suất cơ bản USD trong tháng 7/2019 và vàng thường hưởng lợi từ việc chính sách kinh tế được nới lỏng.
Giá vàng trong nước luôn chịu tác động theo chiều hướng của vàng thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức âm gần 650.000 đồng/lượng, tính theo theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank ở mức 23.360 đồng/USD sáng ngày 26/6. Vì thế, trước biến động mạnh của giá vàng thế giới thời gian này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng khi rót vốn vào mặt hàng kim quý này - vốn được xem là hầm trú ẩn an toàn.
Cân nhắc đầu tư
Cũng theo Chủ tịch VGB, giá vàng tăng mạnh đến đâu cũng sẽ đến lúc chững lại và điều chỉnh nên nhà đầu tư cần tỉnh táo. Dự báo về diễn biến giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, mặt hàng kim quý này còn có nhiều cơ hội tăng giá. Nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa thể sớm kết thúc.
Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này và sẽ nối lại đàm phán thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cũng cho rằng, khó có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại một cách nhanh chóng, nên vàng vẫn là cơ hội cho hầm trú ẩn an toàn,
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước cũng nhận định, vàng hay bất cứ một tài sản tài chính nào đó tăng giá quá nhanh, quá mạnh sẽ đến thời điểm chững lại và điều chỉnh.
Theo ông Phước, xu hướng tăng giá nhanh, mạnh của vàng hiện nay phản ánh thực tế từ những căng thẳng của tình hình thế giới và quan điểm nhất quán của chính quyền Mỹ về việc duy trì USD yếu đi. USD đã giảm giá mạnh trong ngày 25 - 26/6 ở châu Á trong khi đồng Yên Nhật tăng khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông thu hút nhu cầu trú ẩn an toàn.
Chỉ số USD index, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ khác, đã giảm xuống 95,9 điểm, thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Dự báo được đưa ra từ giới phân tích vàng cho thấy, mức giá vàng trung bình sẽ rơi vào 1.359 USD/ounce cho quý III/2019, đạt 1.300 USD/ounce cho quý IV/2019 và trung bình cả năm 2019 sẽ là 1.367 USD/ounce.
Dẫu vậy, giới phân tích cũng cho rằng, biến động của giá vàng còn phụ thuộc vào tình hình địa chính trị trên thế giới. Vàng sẽ quay trở lại với những lỗ hổng nào có ở đó, nhưng cũng không ít cơ hội để “bùng” lên khi USD giảm.
Theo Thùy Vinh (Báo Đầu tư)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chưa hẳn đã hưởng lợi

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019 / No Comments
CafeLand - Trao đổi bên lề buổi công bố “Báo cáo kinh tế thường niên 2019” ngày 29/5, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam chưa hẳn đã là điểm đến số 1 của các quốc gia phát triển, mà chỉ là một trong những ứng cử viên mà thôi.
CafeLand: Ông đánh giá thế nào về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nguồn vốn FDI cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2019 của Tổng cục thống kê cho thấy, trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới, vượt các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Tôi nghĩ đây là tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các nước khác trong đó có Việt Nam. Đây là một hiện tượng hiện hữu. 
Chúng ta đang nhìn thấy sự phân luồng trong đầu tư. Các nước có trình độ phát triển cao như Nhật, Mỹ ưa thích đầu tư dài hạn. Bởi vậy những nước này cân nhắc rất kỹ chuyện đổ vốn vào đâu.
Đối với họ, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà là Thái Lan, Malaysia, Indonesia – những nơi đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên mà thôi.
Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam. Lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thấy Việt Nam gần gũi với họ hơn về văn hóa, địa chính trị và địa lý.
Do đó chúng ta thấy tỷ trọng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt so với các nước truyền thống.
Tôi nghĩ đây là hiện tượng. Những doanh nghiệp khi quyết định đầu tư thì họ có tính toán riêng. Việt Nam không thể kiểm soát được những tính toán đó nhưng có thể tác động đến lựa chọn của họ, cũng như việc lựa chọn các nhà đầu tư chất lượng cao, có trình độ công nghệ và cam kết lâu dài như Nhật, Hàn Quốc; lựa chọn các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và trách nhiệm với môi trường.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chưa hẳn đã hưởng lợi
PGS.TS Nguyễn Đức Thành.
Muốn vậy, chúng ta phải tự hoàn thiện bản thân, thông qua hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật phải nghiêm khắc, minh bạch, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, người lao động… thì những nhà đầu tư sẽ tìm đến nhiều hơn. 
Sự thịnh vượng của Đông Nam Á trong thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước chỉ đến sau xung đột thương mại Mỹ - Nhật. Cuộc xung đột thương mại đó khiến Nhật gần như lụi bại, đồng Yên tăng giá khiến doanh nghiệp sản xuất chạy sang vùng Đông Nam Á và tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này. 
Tôi dự báo thương chiến Mỹ - Trung hiện nay cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi e rằng Việt Nam sẽ không lạc quan lắm với làn sóng đầu tư.
Tôi có nói chuyện với cựu đại sứ Nhật Bản và ông ấy cho biết 2 vạn doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay tìm hướng đi do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ có vào Việt Nam không? Chúng ta cứ quan sát sẽ thấy.
Vậy đối với thương mại, Việt Nam liệu có được hưởng lợi như nhiều dự báo đưa ra?
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều xáo trộn như hiện nay, Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư trung và dài hạn.Tuy nhiên, về thương mại, tác động của thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến thương mại của Việt Nam khó dự báo về hiệu quả.
Dưới tác động của thương chiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhanh, vì hàng hóa Trung Quốc bị chặn vào Mỹ. Hàng Việt Nam có lợi thế hơn, người Mỹ cũng sẽ chuyển sang lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn vì lợi thế giá.
Nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ giảm, vì chính quyền Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa của họ.
Trung Quốc có thể ngăn chặn hàng nhập vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi thấy số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý 3-2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô, số lượng so với lượng tăng lên ở Mỹ. Cho nên, có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm tuyệt đối mặc dù xuất khẩu sang Mỹ của ta tăng.
Tuy nhiên, trong tương lai, nếu xuất khẩu sang Mỹ vượt xuất khẩu sang Trung Quốc thì ta lại có lợi thế. Cho nên thương mại của chúng ta đang có hiệu ứng pha trộn, chưa rõ ràng, không giống như đầu tư.
Theo ông, Việt Nam có lợi thế gì trong bối cảnh kinh tế số hiện nay?
Việt Nam có rất nhiều trở ngại trong giai đoạn chuyển đổi số, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực thì vẫn có những điểm thuận lợi như tỷ lệ dân số trẻ, sự linh hoạt trong chuyển đổi, tiếp cận các xu hướng mới. Đặc biệt với sự phát triển gần đây của Việt Nam như khu vực tư nhân ngày càng mở rộng sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn.
Hiện nay chính sách liên quan đến thúc đẩy kinh tế tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số. Ở cấp độ kinh doanh và phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân là động lực cơ bản cho sự tăng trưởng. 
Điều quan trọng nữa là bản thân kinh tế tư nhân cũng là nền tảng cho sự sáng tạo, mà sự sáng tạo này là điều kiện tiên quyết để chúng ta hội nhập trong xu hướng kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, những tiến triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, trong đó có sáng kiến phủ sóng wifi toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. 
Do đó, chúng ta không nên đứng ngoài cuộc chơi và lo sợ, thay vào đó cần tìm hiểu kỹ để bắt nhịp, lựa chọn cách thức tham gia xu hướng đó như thế nào để có lợi nhất, để biết nên đầu tư vào hệ thống hạ tầng nào trong tương lai…
Cảm ơn ông!

Tâm An

Từ Asanzo đến việc Donald Trump “đe” Việt Nam

/ No Comments
CafeLand - Trong một lần trả lời phỏng vấn Fox Business vào ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Việt Nam, cho rằng đang có nhiều công ty của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ nhằm “né” thuế. Đây là lần đầu tiên ông Trump nói về Việt Nam với ngôn ngữ “sắc bén” đến vậy.
Vậy đâu là nguyên nhân sự khiến cho ông Donald Trump có những phát biểu cứng rắn đó?
Thâm hụt thương mại ngày càng lớn
Dù là một nước có quy mô kinh tế khá bé nhỏ, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ tăng rất mạnh khiến cho thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng.
Từ Asanzo đến việc Donald Trump “đe” Việt Nam
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và lớn hơn nhiều so với nước thứ hai là Trung Quốc chỉ có 13,4 tỉ USD.
Trong khi đó, theo số liệu của UN CONTRADE thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ năm 2018 đạt 51 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chiếm đến gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Điều đáng nói thặng dư thương mại Việt Nam đối với Mỹ ngày càng lớn. Riêng trong năm tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ đến 16,8 tỉ USD. Trước đó, năm 2018, con số này lên tới 41,63 tỉ USD. Việt Nam là nước xuất siêu lớn thứ sáu vào Mỹ sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức và Ireland.
Những mặt hàng Việt Nam xuất nhiều vào Mỹ là điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính, hàng dệt may, giày dép, thiết bị nội thất… Đối với mặt hàng linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại là chủ yếu do các doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam xuất khẩu như Samsung, Intel, Canon… Mặt hàng dệt may, giày da cũng phần nhiều do các doanh nghiệp FDI như Nike, Adidas, các doanh nghiệp từ Đài Loan, Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ là các doanh nghiệp thủy sản, đồ gỗ, nội thất…
Từ Asanzo đến việc Donald Trump “đe” Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng nhanh trong khi nhập khẩu tăng không đáng kể làm thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ ngày càng lớn. Nguồn: UN CONTRADE
Dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ mạnh vào Việt Nam
Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đến nay trong tổng số 47 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đang sản xuất hàng hóa tại tỉnh Thanh Hóa thì có tới 19 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào sản xuất giày dép, quần áo xuất khẩu.
Số liệu từ Tổng cụ Thống kê cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã soán ngôi Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư trực tiếp trong sáu tháng đầu năm đã lên tới 1,67 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng số vốn đăng ký cho dự án mới và dự án cũ.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện đang có một dòng vốn đầu tư gián tiếp rất lớn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Theo số liệu Tổng cục thống kê, trong sáu tháng đầu năm còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,12 tỉ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là trong đó tổng số vốn gián tiếp của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chiếm hơn 70%.
Việc dòng vốn từ Trung Quốc đổ mạnh vào Việt  Nam có thể là do các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để né việc Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thì vào thời điểm hiện tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn bởi giá công nhân đang rẻ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và môi trường vĩ mô ổn định.
Việc dòng vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc hay các kể cả các công ty đa quốc gia rời bỏ thị trường Trung Quốc để đến Việt  Nam là một điều tất yếu. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc sau một khoảng thời gian tăng trưởng nóng đã chậm lại rất nhiều. Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào một cơn khủng hoảng kinh tế bởi nợ xấu lớn và bị Mỹ đánh thuế lên hàng hóa xuất khẩu.
Từ Asanzo đến việc Donald Trump “đe” Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Vốn đầu từ Trung Quốc đang đổ mạnh vào Việt Nam. Đặc biệt, là các dòng vốn gián tiếp đổ vào đầu tư và các doanh nghiệp trong nước.
 
Những bất thường về số liệu thương mại
Trong năm tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu vào Mỹ tăng cao hơn nhiều so với mức bình quân chung chỉ là 6,7%. Đặc biệt, những mặt hàng như điện thoại và linh kiện tăng tới 109,2%; điện tử; máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.
Đối với thị trường Trung Quốc, trong khoảng thời gian này, xuất khẩu của Việt Nam giảm 2,6%, nhưng nhập khẩu lại tăng 18,9%. Trong đó mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,8%; vải tăng 12,7%.
Trước đó, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 47,5 tỉ USD, tăng 14,2%. Những mặt hàng tăng mạnh là điện thoại và linh kiện tăng 46,7%; giày dép tăng 15,3%; hàng dệt may tăng 13,7%. Như vậy, về cơ cấu mặt hàng thì mức tăng cao của năm 2018 giống như trong năm tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, điểm khá khác biệt là nhập khẩu hàng mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ tăng 11,4% và vải tăng 12,7%.
Từ Asanzo đến việc Donald Trump “đe” Việt Nam
Điều đáng nói là mặt hàng điện thoại, linh kiên điện tử, linh kiện máy tính, bảng điện tử vi tính, bộ xứ lý là nhóm mặt hàng bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%. Những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều là những nhóm hàng tăng đột biến nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ có thể có doanh nghiệp Trung Quốc “mượn đường” doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu những mặt hàng bị đánh thuế cao vào Mỹ.
Nghị ngờ này không phải là không có cơ sở khi mà ta thấy thời gian qua vấn đề Công ty Asanzo sản xuất hàng điện tử với gần như 100% linh kiện nhập Trung Quốc vẫn dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Đây cũng là lẽ là một trong những nguyên nhân khiến ông Donald Trump đưa ra lời cảnh báo đối với Việt Nam.
Phản hồi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, ngày 28/06/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
"Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hoá nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác. Việt Nam và Mỹ thường xuyên trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh".
Hoàng Nam

Khởi công cầu chính Mỹ Thuận 2 vào quý 1/2020

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019 / No Comments
CafeLand - Tại cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào chiều qua (26/6), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ cho khởi công dự án cầu chính Mỹ Thuận 2 vào quý 1/2020.
Cụ thể, về tiến độ khởi công 3 dự án đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ khởi công trong tháng 8/2019; dự án Cao Bồ - Mai Sơn cuối tháng 8/2019 và đường dẫn hai đầu cầu Mỹ Thuận 2 cũng phải làm khẩn trương để khởi công trong năm 2019.
Từ nay đến tháng 12/2019, toàn bộ các gói thầu của 3 dự án đầu tư công sẽ được khởi công hết, riêng phần cầu chính Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công vào quý 1/2020, Bộ trưởng nói.
Đối với tiến độ triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo.
Tháng 12/2018, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Dự án Xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu trên cơ sở đề xuất của đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 (PMU7). 
Khởi công cầu chính Mỹ Thuận 2 vào quý 1/2020
Dự án Xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại Km101+126 tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), khớp nối với Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tại Km107+740 tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), khớp nối với Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tổng chiều dài Dự án là 6,61 km.
Dự án có tổng vốn 5.003 tỷ đồng dài 1,906 km, quy mô 6 làn xe, rộng 25 m, trong đó, nhịp chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây với khổ thông thuyền rộng 300 m, trụ tháp dạng kim cương.
Sau khi hoàn thành vào năm 2023, Dự án sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ theo quy hoạch
N.Đăng

Điểm tin sáng: USD tăng trở lại, vàng hạ nhiệt

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019 / No Comments
CafeLand - Đồng USD quay đầu tăng trở lại từ đáy 3 tháng sau khi Fed kiềm chế kỳ vọng của thị trường về khả năng cơ quan này sẽ mạnh tay hạ lãi suất. Trong khi đó, giá vàng có dấu hiệu giảm sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt.
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời đặc biệt và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6 - 1/7 tới, theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Cùng đi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; và Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần này diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6 tại thành phố Osaka.
Điểm tin sáng: USD tăng trở lại, vàng hạ nhiệt
Giá vàng giảm mạnh sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, đồng USD phục hồi mạnh mẽ. Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.409 USD/ounce, giảm 21 USD so với ngày hôm qua.
Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 26/6 cũng nhanh chóng hạ nhiệt theo giá thế giới sau một ngày tăng sốc. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 38,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,300 triệu đồng/lượng (bán ra).  Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 38,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,17 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 250.000 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với ngày 25/6.
Đồng USD quay đầu tăng trở lại từ đáy 3 tháng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kiềm chế kỳ vọng của thị trường về khả năng cơ quan này sẽ mạnh tay hạ lãi suất. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,33 điểm. USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1362 USD; 107,62 yen đổi 1 USD  và 1,2673 USD đổi 1 bảng Anh.
Trên thị trường trong nước phiên ngày 26/6, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở mức: 23.245 đồng/USD và 23.365 đồng/USD. Tính từ đầu năm 2018, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 440-460 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Bitcoin tiếp tục tăng 'phi mã' lên 12.473 USD/BTC, tăng 7,25% so với phiên giao dịch trước đó. Đã có lúc, đồng Bitcoin vượt lên ngưỡng 13.000 USD/BTC, đạt "đỉnh" 18 tháng. Khối lượng giao dịch Bitcoin đạt hơn 55 tỷ USD. Vốn hóa đạt gần 221 tỷ USD. Như vậy, kể từ đầu năm 2019, đồng Bitcoin đã tăng đến 240% giá trị, tuy nhiên vẫn còn cách rất xa "đỉnh" 20.000 USD/BTC được thiết lập vào cuối năm 2017.
Có 2 nguyên nhân khiến đồng Bitcoin tăng "phi mã" trong vài ngày qua. Đầu tiên là việc FED công bố duy trì mức lãi suất tiêu chuẩn ở mức 2,25-2,5% vào ngày 19/6.  Thứ hai, việc facebook hôm 18/6 tuyên bố sẽ phát hành đồng tiền số với tên gọi Libra vào cuối tháng 6/2020 đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu trở lại với các một số đồng tiền điện tử, trong đó có Bitcoin.
Hoàng An (TH)

Hết thời hạn sử dụng đất có được gia hạn?

/ No Comments
Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Xin hỏi, sổ hồng có ghi thời hạn sử dụng đất đến ngày 31/12/2021. Vậy sau thời hạn này thì đất có thuộc sở hữu của người sở hữu nữa không? Xin cảm ơn.
Hết thời hạn sử dụng đất có được gia hạn?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An trả lời bạn như sau:
Theo quy định của luật đất đai năm 2013 về thời hạn sử dụng đất. Cụ thể:
 Điều 126. Đất sử dụng có thời hạn
1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.
Ngoài ra, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết Luật đất đai quy định:
 Điều 74. Trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất
1. Tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất.
Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất; trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định gia hạn quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký.
Đối với trường hợp xin gia hạn sử dụng đất mà phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư thì việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư có điều chỉnh quy mô mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì thời hạn sử dụng đất được điều chỉnh theo thời gian hoạt động của dự án;
c) Người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp, chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất cho cơ quan tài nguyên và môi trường;
d) Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã;
đ) Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được gia hạn sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường thông báo cho người sử dụng đất và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định.
2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất;
b) UBND cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Do vấn đề bạn đề cập không rõ là loại đất này là đất nào nên bạn căn cứ theo quy định của pháp luật đối với trường hợp đất có thời hạn để thực hiện. Nếu bạn có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai. 
 
CafeLand kết hợp với Công ty luật TNHH Đức An

Bill Gates tiết lộ về sai lầm lớn nhất của đời mình

/ No Comments
Ít ai có thể thành công mà không gặp sai lầm và thất bại, ngay cả với người giàu thứ 2 thế giới, sở hữu khối tài sản lên đến 102,9 tỷ USD như Bill Gates. Mới đây ông đã tiết lộ về sai lầm lớn nhất của đời mình.

Chia sẻ trong một buổi nói chuyện tại sự kiện do Village Global, một công ty đầu tư mạo hiểm mà Bill Gates hậu thuẫn, nhà đồng sáng lập Microsoft thừa nhận rằng sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mình đó là để cho Google có cơ hội ra mắt nền tảng di động Android, nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay.
“Trong thế giới phần mềm, đặc biệt là các nền tảng, thì người chiến thắng sẽ giành toàn bộ thị trường”, Bill Gates chia sẻ tại sự kiện. “Vậy bạn biết đấy, sai lầm lớn nhất từ trước đến nay trong quá trình quản lý của tôi tại Microsoft đó là không thể trở thành như Android”.
“Đây thực sự là người chiến thắng”, Bill Gates ám chỉ về nền tảng Android của Google. Theo Bill Gates thì Android đã trở thành “tiêu chuẩn” cho những smartphone không phải của Apple, đồng nghĩa với việc Bill Gates xem thị trường di động hiện tại chỉ bao gồm smartphone của Apple (iPhone) và smartphone Android.
Bill Gates tiếc nuối vì Microsoft đã không tạo ra một nền tảng di động có tầm ảnh hưởng như Android của Google
Theo Bill Gates, vào thời điểm iPhone ra mắt (2007) và sau đó một năm là Android thì Microsoft vẫn đang có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường smartphone với nền tảng Windows Mobile.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, máy tính cá nhân chạy Windows vẫn là thiết bị công nghệ không thể thiếu với mọi người nên Microsoft đã xem nhẹ tầm quan trọng của các thiết bị di động và không tập trung vào việc phát triển nền tảng di động của riêng mình.
Đến khi thị trường smartphone trở nên sôi động hơn với cuộc đua “song mã” giữa iOS và Android, Microsoft ra mắt nền tảng di động Windows Phone vào tháng 1/2010 và sau đó mua lại hãng smartphone Nokia với tham vọng có thể chen chân vào thị trường smartphone, tuy nhiên mọi chuyện đã quá muộn và giờ đây Microsoft đã rút lui khỏi thị trường smartphone vì không thể cạnh tranh với Android và iOS.
Bill Gates thừa nhận rằng sai lầm lớn nhất của mình chính là để Google ra mắt nền tảng Android và nắm lấy cơ hội trên thị trường di động trước Microsoft.
Bill Gates ước tính rằng Android đã chiếm lĩnh thị trường di động trị giá 400 tỷ USD nhờ Android và nếu Microsoft tập trung tốt hơn vào thị trường smartphone, phát triển nền tảng di động tốt hơn trước khi Android ra mắt thị trường, Microsoft đã có thể nắm giữ thị trường 400 tỷ USD này.
Samsung từng có cơ hội sở hữu nền tảng Android trước Google
Một điều thú vị ít người biết đó là Android không phải là một dự án khởi đầu của Google, mà Samsung đã từng có cơ hội sở hữu nền tảng di động này.
Vào năm 2003, Andy Rubin, một kỹ sư phần mềm làm việc tại hãng sản xuất thiết bị quang học Carl Zeiss đã bắt tay xây dựng một nền tảng dành cho máy ảnh thông minh.
Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng trên thị trường smartphone vào thời điểm bấy giờ, Rubin đã quyết định thay đổi dự án của mình để xây dựng một nền tảng dành cho di động.
Không lâu sau đó, Andy Rubin thành lập công ty phần mềm Danger và cho ra mắt nền tảng di động Danger OS. Sản phẩm đầu tiên sử dụng nền tảng này là chiếc smartphone Danger Hiptop (của nhà mạng T-Mobile).
Đến năm 2003, với kinh nghiệm từ Danger OS, Andy Rubin quyết định rời bỏ công ty để bắt đầu dự án mới với tên gọi Android, còn Danger sau này đã được Microsoft mua lại vào năm 2009 với giá 500 triệu USD.
Trong khoảng một năm đầu tiên, Andy Rubin đã gặp rất nhiều khó khăn với dự án Android khi không có kinh phí để duy trì và phát triển, trong khi chưa có một “ông lớn” nào để mắt đến dự án này để đầu tư và hỗ trợ về tài chính.
Để tìm nguồn vốn đầu tư giúp phát triển dự án, nhóm phát triển Android, bao gồm Andy Rubin và 7 cộng sự của mình đã bay đến thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để gặp mặt với ban lãnh đạo của Samsung, một trong những hãng sản xuất điện thoại lớn nhất vào thời điểm bấy giờ, tuy nhiên vẫn còn thua kém về thị phần đáng kể so với Nokia hay Motorola…
Trước mặt 20 vị Giám đốc cao cấp của Samsung, Andy Rubin đã trình bày ý tưởng của Android và tiềm năng của nó. Tuy nhiên, đáp lại sự nhiệt tình từ phía Andy Rubin chỉ là sự im lặng và sau đó là một sự từ chối phũ phàng.
“Về cơ bản họ đã cười chúng tôi và không tin tưởng vào những gì chúng tôi đã thực hiện, bởi nhóm chúng tôi chỉ bao gồm 7 người”, Andy Rubin hồi tưởng lại về lần gặp mặt ban lãnh đạo Samsung. “Chuyện này xảy ra chỉ 2 tuần trước khi Google mua lại chúng tôi”.
Sau khi thất bại trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo Samsung, đầu năm 2005, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch của Google Larry Page đã chấp nhận gặp mặt Andy Rubin.
Sau khi nghe trình bày về tiềm năng và ý tưởng phát triển Android, Larry Page đã không ngần ngại chi tiền để mua lại công ty Android.
Android vào thời điểm đó vẫn là một công ty non trẻ và chưa có sản phẩm thực tế nào, với 8 người trong đội ngũ phát triển, đã khiến Google không ngần ngại chi đến 50 triệu USD để mua lại.
Và đây có lẽ là một trong những quyết định sáng suốt và thương vụ thành công nhất của Google cho đến ngày hôm nay, khi Android đang giúp “gã khổng lồ tìm kiếm” thống trị trên thị trường di động.
T.Thủy (Dân trí)

Đầu cơ nhà đất - lực cản của một thị trường lành mạnh

/ No Comments
CafeLand - Một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh là thị trường được định hướng từ các chính sách lành mạnh. Chúng ta không khỏi “giựt mình” khi nhìn vào bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2018 và vài tháng vừa qua. Giá bất động sản nhà ở luôn “tăng nóng” đến mức không tưởng ở một số địa phương.
Đầu cơ nhà đất - lực cản của một thị trường lành mạnh
Biện pháp chế tài hiệu quả nhất để khắc chế giới đầu cơ lũng đoạn thị trường chính là thuế và quy trình giao dịch. Ảnh: Thuận Nguyễn

Các chiêu thức của giới đầu cơ

Thông tin địa phương nào đó có giá đất tăng bất thường hoặc khan hiếm thì y như rằng, nơi đó có sự đóng góp tích cực của giới đầu cơ. Mà đầu cơ thì chỉ có lợi cho một nhóm người về mặt tài chính, chứ không tạo ra sản phẩm hay đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Những nhà đầu cơ đến từ các tỉnh phía bắc hay Sài Gòn đều là những đại gia có tiềm lực tài chính mạnh,luôn có rất nhiều “chiêu” để thổi giá đất lên. Câu chuyện này không phải mới nổi lên gần đây. Tình trạng sốt đất ảo do đầu cơ đã diễn ra ở rất nhiều nơi và đã có từ lâu. “Quy trình” nâng giá đất của các nhà đầu cơ thường qua các bước:
Bước một là lựa chọn khu vực: Địa điểm các nhóm đầu cơ đưa vào tầm ngắm thường là các địa phương đang có các chủ trương hay quy hoạch thông báo trên cơ quan truyền thông (chưa chắc đã thực hiện và khi nào thực hiện) về hạ tầng, xây dựng sân bay, dự án đường sá, khu đô thị mới...
Bước hai là thực hiện quá trình gom hàng và truyển thông mạnh mẽ: Nhóm đầu cơ thường “đổ quân” xuống thu mua những miếng đất giá rẻ, diện tích lớn ở những địa phương mà họ muốn làm giá. Sau đó, hàng loạt các lô đất gần đó được thu mua mà người mua là những “tay con” cùng nhóm đứng tên rồi mua đi bán lại nhiều lần trên chính mảnh đất mà họ đã mua trước đó với giá trị tăng dần theo lũy tiến từ 50 - 70 – 120% thậm chí 200% nhằm gây “choáng” thị trường.
Cao tay hơn, các nhóm đầu cơ còn tổ chức hội thảo, hội nghị một cách rầm rộ, truyền thông mạnh mẽ cho khu vực và kể các một số dự án ABC nào đó. Đây là phương án hiệu quả để lôi kéo nhiều nhà đầu tư “tay con” tham gia cuộc chơi.Với “bản hòa ca” rất nhịp nhàng này, đất đai khu vực đó nhanh chóng thu hút được nhiều nhà đầu cơ. Cứ thế, họ dẫn dắt thị trường với điếu xì gà và nụ cười mỉm đầy mãn nguyện
Bước cuối – chốt sale: Các “cò nhà đất” là đối tác tích cực nhất của giới đầu cơ tham gia sâu vào việc thổi giá đất. Với lực lượng hùng hậu “500 anh em cò đất”,những dư luận viên” này sẽ kẻ tung người hứng trước mặt khách hàng như thể là: thế giới này sẽ bị sụp chừa ra đúng lô đất này, nhanh tay lên, cọc ngay đi, tiền tỉ trong tầm tay, nếu không, người khác sẽ mua mất cơ hội!
Các nhà đầu tư cò con muốn kiếm tiền bằng con đường tắt như con “nai tơ” lạc vào mê trận, hoàn toàn không biết mình sắp vướng vào cái bẫy do những nhà đầu cơ lão luyện đanggiăng ra. Họ sẽ ôm một đống tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng ra đi với chai Macallan Fine & Rare Scotch Whisky, bỏ mặc những “con cừu non” ở lạiôm đất chờ cắt lỗ!

Nhận diện sóng đầu cơ

Trong thời gian vừa qua, xu hướng không có sóng thì “tạo sóng” của giới đầu cơ, dân “cò đất” đang truyền miệng nhau để làm giá, lũng đoạn ở các địa phương như Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết, Củ Chi, Cần Giờ và nhiều địa phương khác trên khắp cả nước. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ các cấp quản lý, thì việc dẫn đến ngưỡng khủng hoảng của thị trường (Real estate market crisis) là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Nhắc đến hai từ “khủng hoảng” là nhắc đến một thị trường mà giá cả tăng vọt đến phi lý, gây khó khăn cho người có nhu cầu ở thật. Và đến một lúc nào đó, thị trường sẽ “vỡ trận”, đẩy hệ lụy cho xã hội gánh..Nói một cách dễ hiểu, người được lợi trong cuộc chơi này là những tay trọc phú, nhóm cơ hội, nhóm lợi ích thân hữu. Còn người thua thiệt vẫn là những người có nhu cầu nhà ở thật, những người nghèo, các công ty muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Chính phủ...
Ở các quốc gia có một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ không có cơ hội cho những “cò đất”, nhóm đầu cơ  tung hoành ngang dọc như chỗ không người như ở Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến biến dạng thị trường bất động sản

Ngoài đầu yếu tố cơ như đã nêu ở trên,một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường như:
Rửa tiền(money laundering): Không chỉ riêng Việt Nam, việc chuyển hóa từ những đồng tiền “bẩn” sang đồng tiền sạch là cách mà nhóm tham nhũng, kinh doanh bất hợp pháp vẫn thường sử dụng. Tuy nhiên, việc chuyển từ những đồng tiền bất minh sang hợp pháp ở các nước có phần khó khăn hơn. Ở các nước này thường có hệ thống quản lý tài chính nghiêm ngặt. Vì vậy, để rửa tiền thì những người muốn rửa tiền phải qua rất nhiều tầng nấc, lòng vòng qua 3 - 4 quốc gia, với nhiều “cửa” như góp vốn, thành lập công ty đầu tư, quỹ từ thiện trá hình… với nhiều chủ thể khác nhau đứng tên mới có thể qua mặt được nhà chức trách.
Câu chuyện đường dây đánh bạc đã bị phát hiện và đưa ra xét xử vào năm 2018 tại Việt Nam là một thí dụ điển hình. Với số tiền khổng lồ kiếm được từ đánh bạc của một nhóm người đã được “rửa” bằng cách mua bất động sản, góp vốn thành lập công ty đầu tư..Không chỉ có một đường dây đánh bạc, mà còn rất nhiều những nguồn tiền bất minh đã, đang và sẽ tiếp tục đổ vào bất động ản. Việc phát hiện đường dây đánh bạc chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Nguồn tiền từ tham nhũng, làm ăn phi pháp chuyển thành bất động sản tại Việt Nam không hề nhỏ và có thể làm “chao đảo”, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường..
Giao dịch tiền mặt: Văn hóa giao dịch bằng tiền mặt tại Việt nam là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng cho kinh tế ngầm, hối lộ, tham nhũng và những dòng tiền thiếu minh bạch có cơ hội phát triển.Trong cuốn sách "The Curse of Cash", Kenneth Rogoff đã đề cập đến tình huống dần loại bỏ các loại tiền giấy. Một thị trường bất động sản muốn phát triển lành mạnh thì không thể để tiền mặt là kênh lưu thông chính trong giao dịch, vì nó sẽ cho phép những dòng tiền “đen” đầu cơ vào làm biến dạng thị trường và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Qui trình giao dịch lạc hậu: Câu chuyện có thật như đùa việc mua bán đất xảy ra ở Phú Quốc vào giai đoạn nóng sốt năm 2018 giữa người mua và người bán diễn ra không khác gì mua mớ cá ngoài chợ cho một giao dịch hàng chục tỉ. Chỉ cần một miếng giấy tay ghi vội có chữ ký hai bên là giao dịch đặt cọc được thực hiện và sau đó chờ sang tay. Chính sự thiếu chặt chẽ trong quy trình giao dịch đã tiếp tay cho giới đầu cơ có cơ hội gây lũng đoạn thị trường. Việc mua bán nhà đất ở Việt Nam chỉ cần hai chủ thể là có thể tự do giao dịch mà không cần đến chủ thể thứ ba để Nhà nước kiểm soát. Đây là cách giao dịch khác xa so với văn hóa giao dịch mua bán bất động sản của các nước.

Kinh nghiệm từ nước Úc

Biện pháp chế tài hiệu quả nhất để khắc chế giới đầu cơ lũng đoạn thị trường chính là thuế và quy trình giao dịch.
Tại Úc, tất cả mọi giao dịch đất đai, nhà của đều được thực hiện thông qua sàn giao dịch – luật sư – ngân hàng. Có thời gian giao dịch rất rõ ràngvà cụ thể như: sau khi người mua quyết định mua một tài sản thì người đó phải làm hợp đồng đặt cọc 10% giá trị tài sản (mẫu hợp đồng đặt cọc do chính phủ phát hành và thống nhất trên toàn quốc). Người mua có thể thay đổi quyết định mua nhà, đất trong bảy ngày (cooling off) và lấy lại tiền cọc nếu không muốn giao dịch. Hai bên có 30 ngày để hoàn tất các thủ tục sang tên (settlement), đóng thuế, phí… nếu như người mua không thay đổi.
Tất cả mọi giao dịch đều được thực hiện thống nhất theo một quy trình do chính phủ qui định và tất cả giao dịch phải thông qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản hoặc luật sư đại diện. Văn hóa giao dịch bằng tiền mặt hầu như không có. Chính vì mọi giao dịch thông qua ngân hàng nên chính phủ rất dễ dàng kiểm soát và thống kê số liệu để có báo cáo về Bộ gia cư (Housing deparment). Việc rửa tiền và các nguồn tiền bất minh sẽ bị phát hiện ngay.
Chính vì giao dịch qua ngân hàng nên chính phủ sẽ căn cứ vào đó để tính những khoản thuế theo giá trị căn nhà, các khoản thuế. Chẳng hạn tại tiểu bang Victoria, thuế trước bạ (stamp duty) cho một căn nhà có giá khoảng 600.000 đô la nếu là công dân Úc thì sẽ đóng 5,5%, tương đương khoảng 17,000 đô la, nếu là người nước ngoài thì 12,5%, tương đương khoảng 37,000 đô la.
Ngoài ra, người sở hữu đất còn phải đóng thuế hội đồng (Council rates) thu gom rác, đèn chiếu sáng, an ninh; thuế nước (water rates). Thêm vào đó người mua nhà cũng phải đóng các khoản phí như: phí luật sư, phí bảo hiểm tín dụng (nếu người mua mượn tiền nhà băng). Tất cả những khoản thuế và phí này sẽ được thanh toán “ngay và luôn” ngoại trừ thuế hội đồng (Council rates) sẽ được đóng từng năm. Đặc biệt, người sở hữu bất động sản còn phải đóng thuế đất với tỷ lệ dao động từ 1,5 – 2%/ năm/ giá trị đất.

Giải pháp nào để hạn chế đầu cơ địa ốc?

Mô hình giao dịch nhà đất tại Hoa Kỳ và Úc là các mô hình rất đáng được quan tâm, nghiên cứu. Một vài gợi ý sau:
  • Kiểm soát được dòng tiền đổ vào địa ốc để xác định được dòng tiền sạch và bẩn
  • Thuế lũy tiến cho tài sản thứ 2, thứ 3 là công cụ hữu hiệu để tạo sự công bằng cho mọi đối tượng sở hữu đất đai.
  • Thay đổi qui trình giao dịch thông qua chủ thể thứ ba có sự kiểm soát của chính phủ để có thông tin giao dịch chính xác và dễ dàng cho việc thống kê thị trường. 
  • Luật hóa bộ quy chuẩn cho sàn giao dịch bất động sản và nhân viên môi giới hoạt động có quy trình và kiểm tra chặt chẽ. Có những biện pháp chế tài nghiêm ngặt cho lĩnh vực hoạt động này.
Để có một thị trường bất động sản phát triển bền vững, công bằng và lành mạnh, các cấp quản lý không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải có sự quyết tâm thay đổi nhằm hạn chế việc đầu cơ địa ốc gây nhiễu loạn thị trường bằng các biện pháp cứng rắn, khoa học sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập sâu rộng của Việt Nam như hiện nay.
Huỳnh Anh Dũng